Bài viết này trả lời câu hỏi về cách đặt bàn thờ Công giáo trong gia đình. Bàn thờ Chúa đặt hướng nào? Cũng có thể đặt câu hỏi này theo một cách khác. Người Công giáo chúng ta quay mặt về hướng nào khi cầu nguyện? Và khi đọc hết bài viết, chúng ta cũng có thể trả lời những câu hỏi tương tự: đặt bàn thờ Chúa trong phòng khách như thế nào? Có được lập bàn thờ Chúa trong phòng ngủ? Đặt bàn thờ Chúa nơi không yên tĩnh có được không?
Bất cứ tôn giáo nào cũng có một “hướng thánh thiêng”. Người Hồi giáo hướng về Thánh địa Mêc-ca khi cầu nguyện. Trong đạo Do Thái thì đó là hướng quay về Thành Giê-ru-sa-lem, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa trong nơi Cực Thánh tại Đền Thờ. Ngay cả khi Đền Thờ đã bị phá hủy vào năm 70 sau công nguyên, tập tục hướng về Giê-ru-sa-lem vẫn được duy trì trong phụng vụ. Đó là cách người Do Thái Giáo biểu lộ niềm hy vọng của họ đối với việc xuất hiện của Đấng Mê-xia, việc tái thiết Đền Thờ, và việc tụ tập Dân Chúa từ muôn nẻo đường thế giới.
Cách đặt bàn thờ Công giáo rõ ràng phụ thuộc vào việc chúng ta quay mặt về hướng nào để cầu nguyện.
Các Ki-tô hữu ngay từ ngày đầu của Giáo hội đã không còn quay về Giê-ru-sa-lem trần thế nữa, nhưng hướng về Giê-ru-sa-lem mới trên trời. Người Ki-tô hữu vững tin rằng khi Chúa Ki-tô quang lâm, Người sẽ tập hợp những ai tin, giữ và sống theo Lời cùa Thiên Chúa để tạo lập nên Kinh Thành Thiên Quốc.
Mặt trời mọc được coi là biểu tượng cuộc Phục Sinh và Quang Lâm của Người. Bởi thế khi cầu nguyện, các Ki-tô hữu có thói quen hướng mặt về phương đông. Từ thế kỷ thứ hai trở đi, có nhiều bằng chứng cho thấy khuynh hướng đó đã lan tỏa khắp nơi trong thế giới Kitô Giáo.
Hướng Đông có tính biểu tượng cao cả trong Tân Ước lẫn Cựu Ước. “Vì Chúa, Đức Chúa Trời là mặt trời” (Thánh thi 84,11). Giống như mặt trời mọc, Đức Ki-tô Mặt Trời Công Chính (Ma-la-chi 4,2) và Ánh Sáng thế gian (Ga 8,12) đã sống lại vào hừng đông Chúa Nhật Phục Sinh.
Trong Cựu Ước, Tiên Tri Ezechiel từng viết rằng: “Người ấy đưa tôi tới cổng, cổng quay về phía đông, và này, vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en từ phía đông tiến vào…Vinh quang Thiên Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông. Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang Thiên Chúa tràn ngập Đền Thờ” (Ed 43,1-5).
Trong Tân Ước, ý nghĩa của việc quay mặt về hướng đông để thờ phượng không được rõ ràng bằng trong Cựu Ước. Tuy nhiên, ta vẫn thấy nhiều đoạn trong Tân Ước nói về biểu tượng này. Tin mừng Luca 1,78 nói tới “Vầng Đông tự chốn cao vời”. Sách Khải Huyền 7,2 nói đến một thiên thần mang Ấn Thiên Chúa “từ phía mặt trời mọc đi lên”. Tin mừng Thánh Gioan hay nói tới Ánh sáng, chẳng hạn như lời của chính Đức Ki-tô: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12).
Hình ảnh rõ ràng nhất về ngày trở lại của Đức Ki-tô có lẽ là Tin mừng Mátthêu 24,27-30: “Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy”.
Nếu để ý quan sát một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều nhà thờ Công giáo, đặc biệt là các nhà thờ cổ, đều hướng về phía đông khi điều kiện địa lý cho phép. Hướng nhà thờ hiển nhiên quyết định cách đặt bàn thờ Công giáo.
Bàn thờ trong nhà ở cũng đặt ở phía đông. Vì thế, cộng đoàn hướng về phương đông để thể hiện niềm hy vọng và chờ đợi ngày quang lâm của Chúa Kitô, khi Người như mặt trời từ hướng đông mà tới.
Vì những lẽ trên, thiết nghĩ khi cầu nguyện, theo truyền thống lâu đời, người Công giáo chúng ta có thể hướng về phía đông nếu điều kiện cho phép. Muốn như vậy, thì bàn thờ Công giáo trong nhà nên được đặt ở phương đông.
Chúng tôi đã có một bài viết về việc làm phép nhà khi chuyển tới nơi ở mới. Quý vị có thể tìm thấy một vài thông tin có ích ở bài viết đó về nghi thức làm phép nhà ở, công xưởng, văn phòng hay cửa hàng, cửa hiệu.
Tuy nhiên, chính Đức Ki-tô cũng đã từng nói “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật.” (Ga 4,21-23).
Thật vậy, nếu điều kiện thực tế không cho phép, thì việc đặt bàn thờ Thiên Chúa ở hướng đông hay tây, nam hay bắc là không quan trọng. Cũng đừng lo lắng nếu như căn phòng công nhân chúng ta thuê trọ thật nhỏ. Nhiều gia đình chỉ có một phòng sinh hoạt chung, vừa là phòng khách, bếp vừa là phòng ngủ. Đừng lo lắng nếu căn phòng trọ đó thật chật chội, ồn ào, bụi bặm.
Chúng tôi nghĩ anh chị em không cần băn khoăn. Tất cả những cái ở bên ngoài thì chỉ là bên ngoài. Cách đặt bàn thờ Công giáo trong gia đình dù như thế nào thì cũng vẫn thuộc về hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là chiều sâu bên trong của việc thờ phượng.
Chúng ta hãy đặt các ảnh, tượng, sách kinh nguyện, Kinh Thánh ở chỗ dễ thấy trong nhà, để nhắc nhở sự hiện diện của Chúa ở trong gia đình. Đó là dấu hiệu làm chứng rằng mỗi ngôi nhà và đời sống gia đình của chúng ta thuộc về Thiên Chúa.
Chỉ cần tìm được một nơi để bàn thờ Thiên Chúa là trung tâm cuộc sống gia đình ta. Có như thế, thì mỗi niềm vui hay nỗi buồn trong đời sống gia đình, khi thịnh vượng hay lúc gian nan, chúng ta đều biết đến với Chúa và dâng lên Chúa.
Như vậy, hướng bàn thờ quan trọng nhất chính là hướng về Thiên Chúa.
Điều cốt yếu chính là tinh thần thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Thánh Phao-lô đã viết: “thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần” (1Cr 6,19). Mỗi việc lành chúng ta làm vì Danh Thiên Chúa đều là một của lễ chúng ta dâng lên Người nơi chính bản thờ là con người ta.
Anh chị em hẳn đã nghe câu chuyện về những linh mục biến nơi giam cầm mình thành nhà thờ và dùng đôi bàn tay của mình như bàn thờ để dâng Thánh lễ.
Như vậy, bàn thờ Thiên Chúa quan trọng nhất chính là thân thể, sự sống và gia đình mà Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta.
Đó cũng là lý do mà Filumena đề cao chiều sâu và vẻ đẹp tâm hồn của mỗi tác phẩm tượng Công giáo. Màu sắc, mẫu mã hay chất liệu chỉ là những cái ở bên ngoài. Một bức tượng Công giáo được tô vẽ bắt mắt, làm bằng gỗ quý, dát vàng dát bạc chưa hẳn đã đẹp. Điều quan trọng là những giá trị tinh thần ở bên trong của bức tượng đó. Với Filumena, mỗi tác phẩm tượng Công giáo thể hiện Tình thương và Hy vọng của chính anh chị em.
Tượng Công giáo đẹp nhất là ở tấm lòng quảng đại của mỗi ân nhân-khách hàng của Filumena. Chính anh chị em đã góp phần trực tiếp vào việc bảo vệ Sự sống, tôn trọng Phẩm giá của những con người bệnh tật, khó khăn nhất và gieo mầm Hy vọng nơi những trẻ em nghèo.
Chúng tôi hy vọng anh chị em đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi mà mình quan tâm về cách đặt bàn thờ Thiên Chúa trong gia đình. Nếu đồng ý với ý kiến của chúng tôi, xin hãy chia sẻ bài viết này.
Vincent Chu
Bài viết có sử dụng nội dung từ một số nguồn tham khảo: Viet Catholic, Holy Ghost