Lễ Lá 2024 nhằm vào ngày Chúa nhật 24/03 và là lễ khởi đầu Tuần Thánh. Đây là tuần cuối cùng cho việc chuẩn bị mừng Đại lễ Phục sinh. Trong nghi lễ Phụng vụ Roma, việc cử hành Thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá có các truyền thống mang đặc nét riêng, nên nó khác hẳn với các Thánh lễ Chúa nhật khác.
Chúa nhật Lễ Lá được cử hành để tưởng nhớ một biến cố tràn đầy niềm vui nhưng ngay sau đó lại là cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô (HDGM Việt Nam).
Lễ Lá 2024 nhằm vào ngày Chúa nhật 24/03.
Lễ Lá là một ngày lễ trọng nhưng không buộc kiêng việc xác (xem thêm lịch các ngày lễ trọng và các ngày lễ kiêng việc xác).
Chúa Giêsu đến Giêrusalem để cùng với người Do Thái cử hành lễ Vượt qua như đã được quy định trong các sách Xuất hành và Đệ nhị Luật. Khi nghe tin Đức Giêsu tới Giê-ru-sa-lem, đám đông dân chúng cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và cùng reo hò: “Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng Vua It-ra-en” (Ga 12, 13). Như vậy, Đức Kitô long trọng tiến vào thành Giêrusalem trong tư thế của một Vị quân vương được các ngôn sứ trong Cựu ước tiên báo mà dân Do Thái luôn mong đợi.
Tuy nhiên, cũng đám đông ấy chỉ ít ngày nữa, lại hò hét từ chối, nhục mạ và kết án Người: “Ðem đi! Ðem hắn đi! Ðóng đinh hắn vào thập giá!” (Ga 19, 15). Và nhất là, ngay cả các môn đệ, vốn là những người thân tín đi bên cạnh Chúa Giêsu khi vào thành Giêrusalem, cũng lần lượt bỏ rơi Người trong cuộc khổ nạn.
Trong Lễ Lá, linh mục mặc áo màu đỏ. Đây là màu của máu, tượng trưng cho tình yêu, lửa mến, lòng đam mê và cũng biểu trưng cho máu của sự hiến tế.
Màu áo đỏ được sử dụng trong Chúa Nhật Lễ Lá, thứ Sáu Tuần Thánh và bất kỳ ngày nào liên quan đến Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và trong các ngày lễ kính nhớ các đấng đã chịu chết vì đức tin (các vị tử đạo) (Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam)
Chúa Nhật Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh. Trong Thánh lễ có bài đọc dài tường thuật lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
Mỗi người chúng ta đều có sự liên đới trong biến cố này. Khi được cử hành trong nhà thờ, người giáo dân đảm nhận vai trò của đám đông dân chúng năm xưa. Tất cả được đẩy tới đỉnh điểm khi họ đồng thanh hô “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!”
Trong trường hợp này, chúng ta nhìn nhận sự liên đới mà tội lỗi của chúng ta có trong việc đóng đinh vào thập giá của Chúa Giêsu, và giống như Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta. (DCCT Việt Nam)
Cây thiên tuế là biểu tượng của sự sống giữa các bộ lạc du mục, những người băng qua sa mạc sẽ rất mừng rỡ khi nhìn thấy cây thiên tuế vì nó là dấu cho thấy họ sắp gặp được ốc đảo có nguồn nước và sự sống.
Cây thiên tuế từ lâu cũng là một biểu tượng của sự chiến thắng, thành công và vinh quang. Những đội quân chiến thắng hoặc những nhà lãnh đạo trở về từ chiến trường hoặc một chiến dịch quân sự dài ngày thường được dân chúng chào đón tưng bừng với những cành thiên tuế.
Trong trường hợp của Chúa Giêsu, người Do Thái cũng vẫy những cành thiên tuế rồi trải quần áo xuống đường và trên lưng lừa để chào đón Người. Đây là cách thể hiện của việc dân chúng đang tôn vinh Chúa Giêsu như là một vị anh hùng, một vị vua chiến thắng (HDGM Việt Nam).
Xem thêm: