Để suy ngẫm về những mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô, ta làm theo cách lần hạt Mân Côi theo ngày như sau:
HDGM Việt Nam đã giải thích ý nghĩa của 20 mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, gộp trong bốn nhóm, mỗi nhóm gồm năm sự vui, sáng, thương và mừng như sau:
“Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán”
Đấng Đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (Đường Hy vọng số 947)
Ta đọc kinh, lần hạt Mân Côi và suy niệm về năm sự vui vào các ngày thứ hai và thứ bảy, cũng như các Chúa nhật mùa Giáng sinh.
Ta lần hạt Mân Côi năm sự vui để đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu (HDGM Việt Nam)
Ta đọc kinh, lần hạt Mân Côi và suy niệm về năm sự sáng vào các ngày thứ năm.
Ta lần hạt Mân Côi năm sự sáng để đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
Những từ trong tên Mân Côi có gốc Hán Việt và có thể đọc theo nhiều cách khác nhau: Mai (hoặc Mân, Môi) là hoa hồng, bông hường; Côi (Khôi) là đá quý. (HDGM Việt Nam).
Kinh Mân Côi nguyên gốc tiếng Latinh là Rosarium, trong tiếng Anh, tiếng Pháp là Rose có nghĩa là hoa hồng. Tên gọi Rosarium (Rosary, Rosaire) tượng trưng kinh Kính Mừng kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Đức Mẹ.
Trên thực tế, có khi còn được gọi là Mai khôi, Môi khôi, Văn côi. Ở Việt Nam, thời xưa gọi là kinh Rosa (mà ta có thể dịch là “hoa hồng” hay “bông hường”). Mãi đến từ điển Taberd (1838) mới thấy tên gọi “Hoa Môi khôi”. Dù sao nên biết ở miền Trung và Nam, từ “Môi khôi” thông dụng hơn, còn miền Bắc thì quen gọi là “Mân Côi, hay Văn côi” từ thế kỷ XIX.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo kê ra ba hình thức cầu nguyện: khẩu nguyện (số 2700-2703); suy niệm (số 2705-2708); chiêm ngắm (số 2709-2719).
Kinh Mân Côi bao gồm cả ba hình thức ấy.
Tông thư Rosarium Virginis Mariae của ĐTC Gioan Phaolô II đã vạch ra 5 chiều kích của việc chiêm ngắm Kitô giáo như sau (số 13-17). Năm chiều kích đó bao gồm hồi tưởng công trình của Thiên Chúa; học hỏi Chúa Kitô; họa theo Chúa Kitô; khẩn cầu Chúa Kitô; loan báo Chúa Kitô. (HDGM Việt Nam)
Kinh mân Côi có 200 kinh Kính Mừng, gộp thành 20 chục. Mỗi chục kinh Kính Mừng ứng với một mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Kinh mân Côi có 20 mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu. Năm sự vui là về mầu nhiệm Nhập thể, năm sự sáng là về cuộc đời rao giảng công khai của Chúa Giêsu. Năm sự thương khó là về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Cuối cùng, năm sự mừng là về sự Phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu. (TGP Hà Nội)
Ta đọc kinh, lần hạt Mân Côi và suy niệm về năm sự thương vào các ngày thứ ba và thứ sáu, cũng như các Chúa nhật mùa Chay.
Ta ngắm năm sự thương để đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.
Ta đọc kinh, lần hạt Mân Côi và suy niệm về năm sự mừng vào các ngày thứ tư và Chúa nhật.
Ta ngắm năm sự mừng để đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.
Để đọc các kinh và thời nguyện theo cách lần chuỗi Mân Côi, xin quý vị xem thêm tại trang này.
Khi một hối nhân xưng tội, các Linh mục giải tội thường chỉ dẫn việc đền tội. Mục đích của việc đền tội là để làm nguôi cơn giận của Chúa, đồng thời sửa lại những lỗi lầm đã xúc phạm hoặc những thiệt hại lỗi công bằng đối với người bị thiệt thòi (Nguồn: HĐGM Việt Nam)
Thông thường, các Linh mục giải tội thường khuyên hối nhân đọc một vài kinh như kinh Lạy Cha, kinh Mười Điều răn, kinh Tin Kính và đọc kinh, lần hạt Mân Côi. Ngay trước khi Linh mục đọc lời xá giải, hối nhân có thể đọc kinh Ăn năn tội (xin xem thêm Cách xưng tội).
Cách lần hạt sau khi xưng tội cũng giống như cách lần chuỗi Mân Côi theo ngày đã trình bày ở trên. Tùy theo lời khuyên của Linh mục giải tội mà ta có thể lần chuỗi 10 hay 50 kinh Mân Côi.
Điều quan trọng là, nếu hối nhân được đề nghị lần hạt 10 hay 50 kinh Mân Côi sau khi xưng tội thì đó không phải là đọc kinh đền tội, mà là những gợi ý cầu nguyện để xin ơn tha thứ, đồng thời thể hiện thiện chí dốc lòng chừa và xa lánh tội lỗi của mình.
Những lời cầu nguyện đó không phải là “hình phạt”, nhưng đó là tâm sự thân thiết của chúng ta với Chúa. Đấy là tâm tình của một người con thảo với cha hiền, để giãi bày lòng yêu mến biết ơn chân thành.
Việc đền tội đúng nghĩa, đó là sửa lại những lỗi lầm, đền bù những thiệt hại về tinh thần cũng như vật chất, làm hòa với những người mình đã lỡ xúc phạm (xin xem thêm Cách xưng tội). Bí tích Hòa giải giúp chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa vì các tội chúng ta đã phạm, nhưng còn hậu quả của tội (ta thường gọi là vạ, hoặc hình phạt do tội), chúng ta có được tha hay không còn tùy thuộc mức độ thành tâm và thiện chí sửa lại hậu quả tội lỗi của chúng ta.