Kinh Chúa Thánh Thần, Imprimatur GP Bùi Chu

Kinh Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con.

Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Thưa: Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Nguồn: Kinh Chúa Thánh Thần, trang 9-10, Sách kinh Giáo phận Bùi Chu

Imprimatur

Bùi Chu ngày 03/11/1983

+J.M. Vũ Duy Nhất, Giám mục Bùi Chu

Kinh Chúa Thánh Thần
Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần (Pompeo Batoni 1708-1787)

“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”

Ga 14,25-26

Định tín về Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa

Công Đồng Constantinople (năm 381) long trọng tuyên xưng:

Chúng tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Đức Chúa và là Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ nơi Chúa Cha, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.”

Công Đồng chính thức tuyên xưng rằng Thánh Thần cũng chính là Đức Chúa, nghĩa là ngang bằng với Thiên Chúa.

Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Dominum et Vivificantem, số 10 đã nhận định như sau:

“Đồng bản thể với Cha và Con theo thần tính, Chúa Thánh Thần là tình yêu, là ân sủng vô tạo, từ đó – như là từ uyên nguyên hằng sống (fons vivus) – phát xuất mọi hành vi trao ban ân huệ đến các thụ tạo (ân sủng thụ tạo): ơn hiện hữu cho muôn loài qua công cuộc tạo dựng; ơn sủng ái cho con người qua toàn bộ kế hoạch cứu độ.”

Nguồn: HDGM Việt Nam

7 ơn Chúa Thánh Thần

  • Ơn khôn ngoan : Ơn khôn ngoan giúp phân biệt đúng sai – khôn ngoan là nhận biết Thiên Chúa cả bằng tâm và trí ta. Hình ảnh ơn này như việc xức dầu.
  • Ơn hiểu biết : Ơn hiểu biết là ánh sáng nội tâm mà Chúa Thánh Thần ban cho – không chỉ trong Kinh thánh mà trong suốt cuộc sống của chúng ta. Hình ảnh ơn này như lưỡi lửa.
  • Ơn biết lo liệu : Biết lo liệu là ơn giúp ta thấy rõ ý muốn của Thiên Chúa cách rõ ràng và phá bỏ những rào cản để thực hiện. Hình ảnh ơn này như Thánh Phêrô trong buổi sáng Lễ Ngũ Tuần rao giảng về Chúa Giêsu một cách can đảm, dứt khoát, nhưng cũng rất thu hút.
  • Ơn sức mạnh : hàm chứa sự can đảm, nhưng Chúa Thánh Thần không chỉ đơn giản làm cho chúng ta dũng cảm hơn; Ngài ban cho chúng ta lòng dũng cảm đến từ việc tin cậy vào sức mạnh Thiên Chúa. Hình ảnh ơn này như một cơn gió thổi mạnh
  • Ơn thông minh : Chúa Thánh Thần thường được mô tả như một con chim bồ câu, và điều đó có một ý nghĩa rất cụ thể trong Kinh thánh. Trên chiếc tàu Nô-ê, chim bồ câu là loài chim đã được thả ra để bay đi tìm đất liền, mang lại niềm hy vọng.
  • Ơn đạo đức như nước hằng sống. “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7:38).
  • Ơn kính sợ Chúa hình ảnh như trụ mây. Tại các biến cố khác nhau của Cựu ước – Biển Đỏ, Núi Sinai và những nơi khác Thiên Chúa xuất hiện giữa dân Ngài dưới hình cột mây. Nhưng không phải là một đám mây đen mà là một trụ mây đầy ánh sáng. Đó là dấu hiệu chỉ sự huyền nhiệm tuyệt hảo của Thiên Chúa toàn năng.

Nguồn: HDGM Việt Nam

Xem thêm: