Theo truyền thống của Giáo hội Công giáo, có hai tháng trong năm phụng vụ được dành để vun trồng và bày tỏ lòng kính mến đối với Mẹ Maria. Tháng 5 là tháng Hoa. Tháng 10 là tháng Mân Côi.
Hai tháng kính Đức Mẹ nhắm giúp người Công giáo gia tăng lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa và noi gương các nhân đức của Mẹ.
Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.
Tông huấn đề cao lòng tôn sung Đức Mẹ Maria trong tháng 5, 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI
Trong văn hóa Hy Lạp, Maia có nghĩa là Mẹ, là vị nữ thần sinh ra Hermes. Trong nền văn hóa La Mã, Maia là nữ thần của sự nảy nở, phát triển. Trong ngôn ngữ phương tây, tên của tháng 5 là “Maggio” trong tiếng Ý, là “Mai” trong tiếng Pháp hay “May” trong tiếng Anh. Các danh từ này đều bắt nguồn từ tên của nữ thần “Maia”.
Sau này, các tín hữu Công giáo đã biến tháng 5 kính nữ thần Maia của dân ngoại thành tháng Hoa kính Mẹ Thiên Chúa.
Vào thời Giáo Hội sơ khai thì đã có dấu vết về một dịp lễ lớn kính Đức Trinh Nữ Maria được cử hành vào ngày 15 tháng 5 hàng năm.
Mãi tới năm 1200, người đầu tiên đã gắn liền tháng 5 với hình ảnh của Mẹ Maria là vua Alfonso 10 của Tây ban nha. 100 năm sau, người đầu tiên đã soạn cuốn sách nhỏ về lòng sùng kính Đức Mẹ trong mùa xuân là chân phước Henri Suso, dòng Đa Minh ở thành Konstanz bên Đức. Năm 1300, cha Hensi Suso đã soạn cuốn sách tựa đề “Những lời chào”, trong đó có những bài tôn kính mẹ Maria trong suốt mùa xuân.
Tiếp đến, tại Roma vào năm 1500, thánh Philipphê Neri bắt đầu dạy cho giới trẻ dành riêng tháng 5 để tôn sùng Đức Mẹ. Thánh nhân dạy các thiếu niên hái hoa trang hoàng các ảnh tượng Đức Mẹ, hát những bài ca tôn kính Mẹ Thiên Chúa và thực hành các nhân đức noi gương Mẹ.
Cũng trong thời kỳ đó ở thành Firenze, trung Italia, tháng 5 trở thành một tháng đặc biệt do sáng kiến của các cha dòng Thánh Đa Minh. Người ta tổ chức các buổi trình diễn những vở kịch kính Nữ Vương trời đất.
Một tài liệu vào năm 1677 kể lại rằng các tập sinh Đa Minh ở Fiesole, gần Firenze, họp nhau lại thành một hội Đức Mẹ Maria để ca hát tôn kính Mẹ Thiên Chúa trong tháng 5. Họ hát kinh cầu và các thánh ca vào ngày 1/5, và Chúa nhật sau đó, họ đội triều thiên bằng hoa hồng đỏ trên đầu tượng Đức Mẹ và đặt vào bàn tay Mẹ một trái tim bằng bạc.
Tại thành phố Napoli, nam Italia, một thế kỷ sau đó, vào tháng 5 hàng năm, các tín hữu bắt đầu có thói quen ca hát kính Đức Mẹ và vị linh mục ban phép lành Mình thánh Chúa sau đó.
Người viết cuốn sách đầu tiên về tháng 5 là linh mục Dionisi, dòng Tên, sống tại thành phố Verona, bắc Italia. Cuốn sách được xuất bản năm 1700 với tựa đề “Tháng Đức Mẹ Maria”. Dưới đó là tiểu đề “Tháng 5 dâng kính Mẹ, với việc thực hành các hoa nhân đức khác nhau, dành cho những người đặc biệt sùng kính Mẹ, dùng trong gia đình cho các người gia trưởng, trong các tu viện và trong các quán”.
Kể từ năm 1700 trở đi, việc dành riêng tháng 5 kính Đức Mẹ trở thành một thói quen phổ thông ở mọi nơi. Trong gia đình, các tín hữu thường dọn một bàn thờ nhỏ, đọc kinh Mân côi, hát thánh ca, đọc kinh cầu Đức Bà. Vì thế tháng 5 trở thành một thứ tuần đại phúc liên kết các tín hữu lại với nhau nhân danh lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa. (P. Domenico Nicolai de’ Servi, “Con Maria verso il 2000”, Ed Carroccio, 1991, pp. 100-103)
Năm 1815, Đức Thánh Cha Piô VII đã khuyến khích việc tôn sung Đức Maria trong tháng Năm. Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này năm 1889.
Vào năm 1945, ĐTC Piô thứ XII đã khẳng định tháng Năm như tháng Đức Mẹ sau việc thiết lập ngày lễ kính Đức Maria Nữ Vương vào ngày 31 tháng Năm. Sau Công Đồng Vaticanô II, dịp lễ kính này được dời vào ngày 22 tháng 8, trong khi 31 tháng 5 trở thành ngày lễ kính Đức Mẹ Thăm Viếng.
Đức Giáo hoàng Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ“.
Sau này, năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI gửi Tông huấn đề cao lòng tôn sung Đức Mẹ Maria trong tháng 5. Qua đó, ngài cũng nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm.
Tại Việt Nam, mỗi tháng 5 hàng năm, con cái Mẹ lại thành kính dâng hoa kính Mẹ tại mỗi nhà thờ, giáo xứ trên mọi miền đất nước. Tuy phong tục mỗi địa phương vùng miền có đôi chút khác nhau, nhưng lòng kính yêu Mẹ thì nơi nào cũng vậy.
Sự noi gương Đức Trinh Nữ Maria chẳng những không làm cho tâm hồn các tín hữu xa rời sự trung thành bước theo Chúa Kitô, trái lại càng làm cho sự theo Chúa trở nên đáng yêu và dễ dàng hơn; bởi vì Mẹ Maria là đấng luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa, nên hơn ai hết, Mẹ đáng được lời khen ngợi của Chúa, khi Người nói với các môn đệ: “Ai làm theo ý Cha ta đấng ở trên trời, thì người ấy chính là anh em, chị em và là mẹ của Ta”.
Tông huấn “Signum Magnum”, Đức Thánh Cha Phaolô VI
Không chỉ trong tháng Hoa, mà Giáo hội luôn hướng dẫn các tín hữu noi gương Mẹ Maria trên con đường đời. Điều này không hề mâu thuẫn với giáo huấn từ trước đến nay về nghĩa vụ các tín hữu phải noi gương Chúa Kitô.
Noi gương Mẹ Maria không hề mâu thuẫn với sự theo gương Chúa Kitô. Trái lại noi gương Mẹ càng mang lại cho chúng ta một phương thế dễ dàng và chắc chắn hơn để kết hiệp với Chúa Kitô. Nhờ thế mà chúng ta hướng tới sự thánh thiện mà Ngài đã mời gọi các tín hữu.
Nguồn: Vatican News, TGP Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ
Xem thêm:
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.